Khi mặt trời vừa ló rạng, Tầng Hắm Phu khoác chiếc áo bạc màu, đội nón bước ra khu vườn trước cửa nhà. Chàng trai sinh năm 1996 luồn tay vào những bụi hoa hồng, tỉa những cành hoa tàn cho ra lộc mới và cắt thêm một bó hoa mới nở, còn ướt sương đêm để mang về cắm.

"Tôi không muốn cuối đời mới tìm đến chốn bình yên. Tôi vẫn đang thực hiện ước mơ đó trên mảnh đất của mình", anh nhắn lại.

Mảnh đất Phu nhắc tới rộng 2.000 m2 do anh tự mua từ hai năm trước, nằm trên một quả đồi ở xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, nơi đang trồng hơn 2.000 gốc hồng ngoại. Một năm trước khi hồng sốt giá, có ngày chàng trai này thu về 20-30 triệu tiền bán cây giống.

Tằng Hắm Phu hiện sở hữu mảnh đất rộng 2000m2 với hơn 2000 gốc hồng ngoại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
 
Tầng Hắm Phu hiện sở hữu mảnh đất rộng 2.000m2 với hơn 2.000 gốc hồng ngoại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ở tuổi 24, nhưng chàng trai trẻ không bị cuộc sống phố thị quyến rũ như nhiều bạn bè. Cả ngày Phu lấm lem với chiếc áo cũ cùng chiếc nón bám đất lúc đội đầu, lúc thành vật dụng hứng cóc, xoài, rau củ... như một "lão nông tri điền" thực thụ.

"Tôi là con nhà nghèo nên phải nghỉ học từ lớp 9 và gắn bó với đồng đất từ bấy đến giờ", cậu kể. Chín năm trước, anh trai Phu - chỗ dựa kinh tế của gia đình- qua đời sau tai nạn giao thông. Nhà vốn túng nay càng thêm bấn, Phu bỏ học đi làm dù mẹ tìm đủ cách khuyên ngăn. Không bằng cấp, cậu đi bóc mít thuê. Ngày làm liên tục 12 tiếng, được trả công 100.000 đồng. Lương về, Phu đưa hết cho mẹ nuôi em, chỉ giữ lại tiền mua bộ quần áo mới duy nhất vào dịp Tết.

"Sự nghiệp startup" của cậu bé lớp 9 bắt đầu bằng việc xin phụ việc không công tại một nhà vườn trồng lan. Mỗi khi dọn vườn, người chủ trả công bằng những chậu lan xấu. Với kiến thức học được từ đó, cậu lên mạng tìm hiểu thêm cách nhân giống. Hai năm vừa trồng vừa học, những chậu lan đầu tiên hồi sinh và ra hoa đẹp. Những giò lan tưởng như vứt đi này trở thành nguồn thu nhập đáng kể của cả gia đình, có tháng Phu kiếm được 5-6 triệu. Tiền lãi được đem tái đầu tư, mua thêm những giống lan mới. Năm 17 tuổi, thu nhập từ nghề trồng lan ổn định, Phu quyết định làm ăn quy mô, mua tre về làm giàn kín 50m2 trước hiên nhà, treo vài trăm chậu lan bán dần, tháng thu 9-10 triệu.

Điểm xuất phát để trở thành "ông chủ trại hoa hồng" đến với chàng trai trẻ một cách khá tình cờ. Đầu năm 2017, người anh họ nhờ trông coi hộ mảnh vườn 5.000 m2 gần nhà và tặng Phu cây hồng ngoại Mon Coeur (một loại hoa hồng có nguồn gốc Nhật Bản). Cậu đánh bụi hoa chuyển sang ở vườn mới. Vài tháng sau, những bông hoa màu hồng phấn với cánh kép, cỡ bông lớn, hương thơm nồng nàn nở rộ khiến cậu mê mẩn. Nhớ lại bài học thành công của vườn lan, ý tưởng nhân giống loài hoa hồng để bán nảy lên trong đầu. Nghĩ là làm, Phu vét hết số tiền có được mua một số cây giống đang thịnh hành.

Nhưng đây cũng chính là cú vấp ngã đầu tiên của Tầng Hắm Phu. Trảng Bom là vùng khí hậu khô nóng, không thuận lợi cho việc trồng hoa. Dù đã tìm hiểu kỹ thuật cũng như cách chăm bón từng loại khác nhau, nhưng nhiều cây mang về trồng hoa nhỏ ít cánh, màu nhạt và hay bị bệnh. Lứa đầu tiên nhập về cây chết hàng loạt, Phu lỗ gần 20 triệu – số tiền rất lớn với cậu ở thời điểm đó.

Mất tiền, chàng trai này lại lùng sục các hội nhóm chơi hoa để học hỏi bí quyết. Những ngày nắng 40 độ, rát cháy mặt nhưng Phu vẫn "chôn chân" ở ngoài vườn, hết tưới nước, tỉa cành rồi theo dõi sâu bệnh. Từng cánh hoa được lật lên hàng ngày để thăm khám, đánh giá hiện trạng rồi "kê thuốc" thích hợp. Nhiều hôm về tới nhà khi trời tối muộn, không buồn thay quần áo lấm lem bùn đất, Phu buông mình xuống giường ngủ một mạch luôn.

Thấy con trai vất vả, mẹ cậu bà Vũ Thị Nga, 57 tuổi, khuyên bỏ vườn, đi làm công nhân dưới thành phố. "Nhưng nó nói thất bại thì làm lại từ đầu. Thôi thì con đam mê vậy, làm mẹ cũng nên ủng hộ", bà nói.

Sự kiên trì và kiến thức đã được đền đáp. Sau nhiều tháng, những bụi hồng hết sâu bệnh và ra bông đậm màu, nhiều cánh như mong muốn. Phu bắt đầu nhân giống. "Cho đến khi gốc đầu tiên khai hoa, tôi vỡ òa trong sung sướng", cậu hồi tưởng.

Ươm chiết rồi nhân giống, cậu đăng lên mạng bán. Hoa nở đẹp lại hướng dẫn chi tiết không giấu nghề nên lượng khách mua tăng lên. Đồng tiền xoay vòng giúp số cây trong vườn ngày càng nhiều.

Tằng Hắm Phu hàng ngày ra vườn ươm cây, nhổ cỏ, cuốc đất, hòa mình với đời sống của hoa lá cỏ cây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tằng Hắm Phu hàng ngày ra vườn ươm cây, nhổ cỏ, cuốc đất, hòa mình với đời sống của hoa lá cỏ cây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khách đông, làm không hết việc nên Phu thuê thêm thợ nhưng được vài ngày họ lại xin nghỉ vì kêu vất vả. Hai năm nay, một mình anh vừa chăm hơn 2.000 gốc hồng, vừa đóng gói rồi chuyển cây cho khách. Thời kỳ sốt hoa hồng ngoại, điện thoại Phu luôn ở tình trạng nóng máy, tin nhắn trả lời không kịp. Cây giống bán ra không chỉ gói gọn ở Đồng Nai mà khách tỉnh thành khác cũng tín nhiệm.

Làm ăn khấm khá, sau một năm, Phu đủ tiền mua mảnh đất 2.000m2 đối diện với vườn của người anh họ rồi chuyển toàn bộ số cây sang đó. Lần đầu sở hữu mảnh đất của riêng mình ở tuổi 22, anh chạy khắp vườn, vẽ trong đầu nơi nào dành cho hồng, nơi nào trồng cây ăn quả. Ở khu vườn mới, Phu còn tự đào ao thả cá, cải tạo lại để trồng thêm một số loài hoa khác như đồng tiền, đậu biếc. Một mình cần mẫn làm, giờ ngoài hoa hồng khu vườn còn có đủ các loại cây ăn trái và rau củ, giống như một homestay giữa vùng đồi.

Anh Mai Quang Trường, phó bí thư đoàn thanh niên xã Hưng Thịnh khẳng định, Phu là tấm gương vượt khó, làm ăn kinh tế giỏi không chỉ ở xã mà còn cả tỉnh Đồng Nai. "Chịu khó vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương như Phu rất đáng trân quý", anh nói.

Dù kiếm được tiền nhưng Phu vẫn tiết kiệm, hàng ngày giản dị với chiếc áo làm vườn cũ kỹ và chiếc nón bám đất: "Những thứ đó mới khiến tôi cảm thấy thoải mái và hạnh phúc", anh cho biết hoa hồng không chỉ mang đến thu nhập mà còn mang lại cảm giác yên bình mỗi ngày.

Ngoài trồng hồng, hiện Hắm Phu còn trồng thêm một số loại hoa khác để kinh doanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ngoài trồng hồng, hiện Hắm Phu còn trồng thêm một số loại hoa khác để kinh doanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đầu năm 2019 khi dịch Covid-19 bùng phát, mấy tháng liền việc kinh doanh bị đình trệ, doanh thu gần như không có, nhưng Phu không quá bận tâm. Anh cho hay, cuộc sống bươn chải từ nhỏ, chứng kiến nhiều cuộc cãi vã, xung đột gia đình nên biết trân trọng hơn sự bình yên ở thời điểm hiện tại.

Niềm vui của chàng trai này giờ hàng ngày ra vườn ươm cây, nhổ cỏ, cuốc đất, hòa mình với đời sống của hoa lá cỏ cây... Cuối tuần anh chiêu đãi bạn bè, người thân bằng những món nhà trồng được.

"Tôi đang sống cuộc đời đẹp như mình mong muốn", chàng trai 24 tuổi nói.

Hải Hiền
Nguồn: https://vnexpress.net/chang-trai-24-tuoi-mot-minh-gay-dung-trai-hoa-hong-4181602.html